Chùa Diệc - Nghệ An

Cuối thời Trần

Hai tiếng "Chùa Diệc" trở thành niềm yêu mến của người dân thành phố Vinh từ lâu rồi - ngôi chùa lớn nhất ở Vinh và là một trong những ngôi chùa lớn nhất ở Nghệ Tĩnh. Người sáng lập ra ngôi chùa mượn ý trong kinh Phật để đặt tên: diệc bộ diệc xu có nghĩa là cùng bước theo cùng chạy theo (các bậc tu hành đắc đạo để lên cõi Niết Bàn).

Dân gian quanh vùng giải thích ý nghĩa tên Chùa Diệc

Thuở ấy, có cánh đồng màu có nhiều ao chuôm do bà con nông dân đào để lấy nước tưới đất canh tác. Bỗng một năm, hạn hán lớn, ao chuôm khô sạch nước. Cá tôm phơi xác. Chim chóc trốn biệt đi nơi khác. Đồng điền quạnh vắng, chỉ có gió nam thổi mù mịt đất cát. Nhưng rất lạ, sau một đêm ngủ dậy, người ta thấy diệc bay về rất nhiều. Diệc chen chúc nhau ở các lòng ao lòng chuôm khô nẻ đất. Trời đang nắng chang chang bỗng tối sầm vần vũ mây đen, và giông tố nổi lên. Mưa! Mưa! Mưa xối xả. Đồng ruộng được tưới mát. Ao chuôm đầy ắp nước. Bà con nông dân sung sướng kéo nhau ra đồng, ngạc nhiên thấy cảnh tượng đau lòng: hàng trăm con diệc nằm chết la liệt. Ai cũng bảo những con diệc này do Nhà trời phái xuống để làm mưa. Họ nhặt xác diệc lại một nơi và đắp thành một cái gò nhỏ. Từ hôm ấy, đêm nào người ta cũng thấy từ gò đất đàn diệc bay lên trời... Các cụ già nảy ra ý định xây trên gò đất một ngôi chùa, và dân trong vùng quen gọi là Chùa Diệc.

  • Ngày 03/11/2013

    Quyết định bổ nhiệm Thượng tọa Thích Thọ Lạc trụ trì tại Chùa

    Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Nghệ An đã chính thức thông qua Quyết định bổ nhiệm TT Thích Thọ Lạc – Uỷ viên HĐTSTW – Kiêm phó ban TT ban văn hóa TW giáo hội phật giáo Việt Nam; Phó thường trực Ban trị sự GHPGVN tỉnh Nghệ An về trụ trì tại chùa.

  • Năm 1941

    Chùa là nơi ẩn náu của ông Đội Cung cùng các chiến sĩ

    Năm 1941, Đội Cung dấy binh khởi nghĩa ở đồn Rạng (Đô Lương), kéo về đột nhập thành Vinh. Sau khi bị lộ và bị thất bại, ông đã trốn vào chùa ẩn nấp mấy hôm, rồi rút lên Cổng Chốt.

  • Năm 1926

    Thầy giáo Lê Thước đã phát hiện được văn bản gốc Văn chiêu hồn (tức Văn tế thập loại chúng sinh) của Nguyễn Du tại chùa Diệc.

    Lê Thước sinh năm 1891, quê huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Kỳ thi hương cuối cùng ở trường Nghệ năm 1918, ông đậu Giải nguyên. Sau đó ông chuyển sang Tây học một cách nhanh chóng và có hiệu quả. Tốt nghiệp Trường cao đẳng sư phạm Hà Nội, ông về Nghệ An thành lập "Hội Hàn lâm Nghệ An" và dạy trường Quốc học Vinh. Nhà trường ở gần chùa Diệc, những ngày chủ nhật, ông thường sang chùa trò chuyện với vị sư cao tuổi. Thấy vị sư có trình độ học vấn uyên thâm, Lê Thước càng thích gần gũi. Vị sư cũng càng ngày càng quý trọng Lê Thước. Bất ngờ một hôm, vị sư cho Lê Thước xem bản chép tay bằng chữ Nôm Văn chiêu hồn của Nguyễn Du. Lê Thước hối hả đọc, sung sướng run người. Những năm trước, Lê Thước đã say mê tìm hiểu Nguyễn Du. Nhiều lần ông còn về Tiên Điền trò chuyện với bà con họ Nguyễn để thu thập tư liệu. Ông đã cùng với Phan Sĩ Bàng viết cuốn Truyện cụ Nguyễn Du. Sự đeo đuổi kiên nhẫn đã đem lại cho ông một niềm vui lớn: tìm được Văn chiêu hồn đã từng lưu lạc hàng trăm năm mà chưa hề ai nhắc đến. Như một sự tình cờ, Văn chiêu hồn được lưu giữ ở chùa Diệc, cách quê Nguyễn Du chừng mười lăm ki-lô-mét, một ngôi chùa mà huyền thoại như đã sắp xếp để cất giấu tác phẩm đầy nhân ái này.

  • Những năm đầu của thế kỷ 20

    Chùa là nơi liên lạc bí mật của Phan Bội Châu cùng với các đồng chí của mình

    Tháng 3-1926, hội Phục Việt đã tổ chức một cuộc mít-tinh lớn tại chùa Diệc đòi xóa án Phan Bội Châu và truy điệu Phan Chu Trinh. Hàng ngàn người dân thành phố và học sinh trường Quốc học Vinh đã tới dự. Tiếng mõ cầu siêu cho nhà chí sĩ Phan Chu Trinh thấm vào lòng người nỗi tiếc thương da diết và khơi gợi tình cảm yêu nước nồng nàn.

  • Cuối thời Trần

    Chùa Diệc được xây dựng thành lập

    Chùa Diệc có tên chữ là Diệc Cổ tự. Được khởi dựng từ cuối thời Trần, sau nhiều lần được trùng tu, kể từ cuối thế kỷ XIX, chùa Diệc đã trở thành trung tâm văn hóa – tín ngưỡng tâm linh quan trọng của xứ Nghệ . Di tích còn lại của chùa là cổng tam quan, trên lầu gác chuông còn rõ nét 4 chữ Hán: chùa Phật Diệc cổ và 2 tấm bia đá.