Trong trò chuyện này, Thầy cũng nói về cầu an, tục đốt vàng mã qua lăng kính Phật giáo. Theo Thượng tọa, mọi hiện tượng tốt xấu đều do tâm tạo tác, “tâm thanh tịnh thế giới sẽ thanh tịnh”, “tâm an lành cảnh giới sẽ an lành”…
Bạch Thượng tọa , trong Phật giáo, mùa Vu lan mang ý nghĩa như thế nào?
- Thượng tọa Thích Thọ Lạc: Theo quan niệm của Phật giáo thì mùa Vu lan chính là mùa biết ơn và đền ơn đối với những ai và những đối tượng góp phần tạo nên, phát triển bản thân mình cũng như cuộc sống của chính mình: như ơn cha mẹ - người đã sinh ra ta và giáo dưỡng ta trưởng thành; ơn Tổ quốc, nơi đã sinh ra ta và cho ta sự sống bình an; ơn Thầy tổ và các thầy cô - những người đã dạy bảo ta về đạo lý giải thoát an lạc cùng những nhận thức xã hội; ơn cộng đồng xã hội - đã chia vui sẻ buồn cùng ta, tương thân tương trợ cùng ta trong những bước thăng trầm của cuộc sống..
Tuy nhiên, dân gian lại quan niệm tháng 7 rất khác. Mọi người định danh đó là “tháng cô hồn”, và vẫn hay đổ thừa đây là tháng xui rủi. Thầy có chia sẻ gì về quan niệm này?
- Theo quan niệm của dân gian thì tháng 7 âm lịch là “tháng cô hồn”, hay còn gọi là tiết xá trọng tội cho chư vong nhân; chính vì vậy, mà mọi người thường sắm sửa phẩm vật cúng tế tổ tiên cũng như phổ thí cho các cô hồn chúng sinh không nơi nương tựa. Vì cho rằng tháng 7 là tháng dành cho thế giới âm hồn, nên mọi người thường quan niệm không làm những việc quan trọng vào thời điểm này trên dương giới, nếu cố làm sẽ gặp những xui rủi.
Đối với đạo Phật thì quan niệm hoàn toàn khác, không có ngày tháng nào là xui rủi, mà “ngày an lành, đêm an lành, đêm ngày sáu thời đều an lành”. Theo đó, chỉ cần “tâm an bình thế giới sẽ an bình”. Mọi hiện tượng tốt xấu đều do tâm tạo tác, “tâm thanh tịnh thế giới sẽ thanh tịnh”, “tâm an lành cảnh giới sẽ an lành”.
Phật giáo nêu cao luật nhân quả, do vậy mọi biểu hiện đều phải có nhân-duyên của nó, con người không thể tránh né quả xấu nếu đã gieo nhân và tạo duyên xấu. Thêm nữa, nếu làm việc ác, người đó không thể chỉ bằng cầu cúng mà “xá tội” được cho mình. Nếu thế thì luật nhân-quả còn đâu.
Lại nói về việc đốt vàng mã nhân tháng 7 âm lịch. Theo thầy, niềm tin gửi tiền vàng cho ông bà tổ tiên hay người-cõi-âm qua hình thức đốt vàng mã có đúng không?
- Tục đốt vàng mã được bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian của người Trung Quốc. Trong khi đó, ngay cả ở Trung Quốc hiện nay đã ít nơi duy trì phong tục này nữa, thậm chí pháp luật đã nghiêm cấm đốt vàng mã ở các nơi công cộng, tự viện và đình đền miếu mạo tại Đài Loan.
Trong Phật giáo thì hoàn toàn không có tục lệ đốt vàng mã này. Sở dĩ đâu đó có xuất hiện là do một số người đã đem thói quen từ tín ngưỡng dân gian vào các ngôi tự viện.
Đối với Phật giáo thì chỉ có tu mới chuyển được nghiệp, nên làm những việc thiện, nói những lời ái ngữ, suy nghĩ những ý tưởng thiện lành để cầu sự bình an cho bản thân, gia đình đang còn hiện thế; đồng thời, hồi hướng cầu nguyện siêu độ cho cha mẹ, tiên tổ đã quá vãng. Đó là việc làm có ý nghĩa và thiết thực nhất trong mùa tháng 7 này.
Xin thầy nói rõ hơn, mỗi người cần làm gì để mang lại bình an cho tự thân, gia đình, xã hội, thay vì lo lắng, sợ hãi “tháng cô hồn” hoặc có hoạt động cúng kính rườm rà, nhất là sử dụng vàng mã như một lễ phẩm thể hiện lòng hiếu với tổ tiên, xem như cách bố thí cho cô hồn?
- Lễ cốt ở tâm thành, tuỳ theo khả năng điều kiện của mình sắm hương nến, bông hoa, quả tươi thanh khiết biểu lộ tấm lòng thành của mình cung kính cúng dàng Tam bảo, phóng sinh, phổ thí cúng cô hồn, giúp đỡ những người nghèo khó... Làm thiện và nguyện đem những công đức đó hồi hướng cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên, những người thân của mình đã quá vãng được nương nhờ công đức đó để nghiệp nhẹ và sớm thác sinh về thế giới an lạc.
Lại nói về mùa Vu lan, phải là mùa đề cao hiếu nghĩa. Trong quan niệm của Phật giáo, đạo hiếu quan trọng ra sao?
- Đức Phật dạy: “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”, hay “Cha mẹ tại đường như Phật tại thế”. Tâm hiếu thảo là tâm của Phật, hành động hiếu thuận là hành động của Phật, cha mẹ được tôn kính ngang Đức Phật. Đó chính là quan điểm về đạo hiếu của đạo Phật, mà đạo lý này đã được thấm sâu vào trong tiềm thức của mỗi người con Phật hàng ngàn năm rồi. Ý niệm ấy được thể hiện qua những lời răn nhắc trong cộng đồng như: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” hay “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ/ Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”, “Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ/ Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha”.
Trong kinh Vu lan, Đức Phật cũng dạy về hiếu hạnh, công sinh thành dưỡng dục của mẹ cha là khó đáp đền. Hay trong kinh Nhẫn nhục, Ngài dạy: “Cùng tột điều thiện không gì hơn hiếu/ Cùng tột điều ác không gì hơn bất hiếu”.
Đó cũng chính là lý do mà mọi người gọi đạo Phật là đạo Hiếu.
Vậy, thưa thầy, mỗi người con cần làm gì để tri ân, báo ân tổ tiên và cha mẹ hiện tại của mình?
- Khi cha mẹ và ông bà còn tại thế, nên dành nhiều thời gian chăm sóc phụng dưỡng để tỏ bày lòng hiếu kính đối với cha mẹ trong đời sống vật chất. Còn đối với đời sống tinh thần thì thường xuyên an ủi, động viên, hướng cha mẹ gần gũi và tiếp cận sống với đời sống của Phật giáo, quy y Tam bảo, thụ trì 5 giới, siêng năng tụng kinh, bái sám, niệm Phật, toạ thiền, ăn chay, phóng sinh tu phúc khiến cho cha mẹ hiện tiền được an lành và được lợi ích an vui trong kiếp tương lai.
Đó chính là những việc làm ý nghĩa và thiết thực trong mùa Vu lan báo hiếu.
Cảm ơn Thầy đã dành thời gian chia sẻ!
Lưu Đình Long - Hữu Tình
Theo vietnamnet